Một số kinh nghiệm khi thiết kế hệ thống HVAC

Ngày đăng: 09/03/2021

Trong công việc, ai cũng phải trải qua giai đoạn ban đầu – giai đoạn chập chững bước vào nghề. Với mình, những dự án thiết kế hệ thống HVAC ban đầu đã gặp phải những khó khắn nhất định: lúng túng trong việc triển khai, không biết bắt đầu công việc từ đâu, rà soát và xử lý bản vẽ chưa tốt khiến tiêu tốn nhiều thời gian. Qua nhiều dự án được trải nghiệm, quá trình học tập và tích lũy kiến thức thực tế, mình muốn chia sẻ với các bạn một số vướng mắc mà mình đã gặp phải trong khi thực hiện thiết kế một hệ thống HVAC. Những chia sẻ này có thể là chưa toàn diện nhưng mình cho rằng nó rất bổ ích cho những bạn mới bước vào lĩnh vực này.

Để thiết kế được một hệ thống HVAC phù hợp. Đầu tiên, các bạn cần chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng sau: (khuyến khích các bạn tham gia thực tế tại một vài công trường để có kiến thức thực tiễn)

  • Về kiến thức: Ngoài kiến thức chuyên môn về điều hòa thông gió, các bạn cần nắm chắc các tiêu chuẩn thiết kế cơ bản hiện hành sau: TCVN 5687:2010, QC 06:2010/BXD, SS 553:2009, BS 5588,….
  • Về kỹ năng: Kỹ năng vẽ AutoCad hoặc Revit, Kỹ năng sử dụng Microsoft Word, Excel.

Để tránh lúng túng khi các bạn nhận một dự án thiết kế, mình chia quy trình thiết kế thành các bước cụ thể như sau:

Bước 1. Khảo sát thiết kế, làm việc với chủ đầu tư

Khi nhận hồ sơ thiết kế, các bạn không nên đi vào tính toán ngay mà cần làm một số công việc như sau:

  • Rà soát hồ sơ bản vẽ xem đã đủ chưa, các bản vẽ cần thiết để thiết kế hệ thống HVAC bao gồm: Bản vẽ mặt bằng, mặt bằng trần thạch cao, mặt đứng, mặt cắt chi tiết, bản vẽ nội thất.
  • Làm việc với chủ đầu tư về tiến độ của dự án, tham khảo sơ bộ phương án sử dụng hệ thống điều hòa cho dự án (ở đây chỉ là tham khảo sơ bộ thôi vì phương án điều hòa cho dự án là do TVTK quyết định trên cơ sở phân tích đặc điểm của dự án và tính toán)

Bước 2. Phân tích đặc điểm công trình

Ở bước này, các bạn cần xem kỹ đặc điểm kiến trúc của công trình. Cụ thể cần xem các vấn đề sau:

  • Không gian lắp đặt dàn nóng (thông thường không gian này ở tầng mái, tầng kỹ thuật đối với các tòa nhà cao tầng, ban công hay loga đối với các căn hộ chung cư, căn hộ gia đình)
  • Các trục kỹ thuật đi ống gas, ống nước ngưng, ống gió
  • Không gian bên trong có trần hay không có trần thạch cao, xem mặt cắt chi tiết để biết chiều cao của trần giả.
  • Công năng của công trình: công trình sử dụng cho mục đích làm trung tâm thương mại, văn phòng làm việc hay nhà ở...
  • Địa điểm xây dựng công trình để xác định thông số vi khí hậu cho mục đích tính tải nhiệt.

Sau khi trải qua hai bước trên, nếu thấy hồ sơ bản vẽ chưa đáp ứng được cho việc thiết kế (chẳng hạn không gian lắp đặt dàn nóng chưa đủ, kích thước trục kỹ thuật quá nhỏ…) các bạn có thể phản hồi, kiến nghị lại với chủ đầu tư hoặc bộ môn kiến trúc (nơi cung cấp hồ sơ bản vẽ).

Một điểm lưu ý trước khi bắt tay vào tính toán thiết kế là: Đặc điểm của hồ sơ thiết kế hệ thống cơ điện nói chung và hệ thống HVAC nói riêng thường sẽ thay đổi theo hồ sơ bản vẽ kiến trúc, theo yêu cầu của chủ đầu tư và khi đó các bạn phải cập nhật bản vẽ thường xuyên. Vì vậy, để tránh bị mất thời gian trong việc này, trước khi bắt tay vào tính toán thiết kế các bạn cần Xref bản vẽ kiến trúc nhé.

Bước 3: Xác định các tiêu chuẩn thiết kế

Như trên đã đề cập, các bạn cần nắm được một số tiêu chuẩn thiết kế cơ bản không thể thiếu trong thiết kế hệ thống HVAC là: TCVN 5687:2010, QC 06:2010/BXD, SS 553:2009, BS 5588,…

Bước 4. Tính toán tải nhiệt

Bước này rất quan trọng, nếu tính toán không chính xác thì hệ thống sẽ không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật. Ở bước này, các bạn có thể sử dụng các phần mềm chuyên dụng tính tải nhiệt mà phổ biến là phần mềm Head load của Daikin hay phần mềm LATS – HVAC của LG.

Bước 5. Lựa chọn hệ thống điều hòa không khí

Trên cơ sở phân tích về công năng của công trình, đặc điểm kiến trúc và kết quả tính toán tải nhiệt; các bạn lựa chọn được hệ thống điều hòa cho công trình. Thông thường, với các công trình là trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn thì sử dụng điều hòa trung tâm VRV/VRF/Multi V hay Chiller. Với các công trình là căn hộ chung cư thì sử dụng điều hòa cục bộ hoặc Multi. Với công trình là nhà ở gia đình thì sử dụng điều hòa cục bộ.

Một vấn đề mà các bạn cũng lúng túng khi lựa chọn hệ thống, đó là lựa chọn dàn lạnh: hiện nay các hãng điều hòa đưa ra khoảng 17 kiểu dáng dàn lạnh khác nhau. Vậy cơ sở nào để lựa chọn dàn lạnh phù hợp với công trình? Các bạn dựa trên hai cơ sở sau: Không gian nội thất bên trong phòng và công năng sử dụng của phòng đó.

Bước 6. Tính toán đường ống gas và thiết bị, đường ống nước, bố trí thiết bị trên mặt bằng

Cần lưu ý với các bạn. Trước khi triển khai bản vẽ thiết kế là: thống nhất chuẩn Font chữ, bao gồm kích cỡ font và kiểu Font

Bước 7. Tính toán hệ thống thông gió

Hệ thống thông gió bao gồm: cấp khí tươi, hút khí thải WC, thông gió tầng hầm, hành lang, phân phối gió lạnh, hệ thống thông gió sự cố.

Bước 8: Viết thuyết minh và hoàn thiện hồ sơ thiết kế

 Thông thường, hồ sơ bản vẽ thiết kế hệ thống HVAC bao gồm:

  • Danh mục bản vẽ, ký hiệu chung
  • Sơ đồ nguyên lý hệ thống
  • Các bản vẽ mặt bằng bố trí thiết bị, đường ống
  • Bản vẽ chi tiết lắp đặt, mặt cắt chi tiết điển hình

Trên đây là một số những chia sẻ được rút ra từ kinh nghiệm thiết kế mà bản thân mình đã rút ra được từ những bài học trong quá trình thiết kế.

Chúc các bạn thành công!

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khoát

TIN TỨC LIÊN QUAN

ĐỐI TÁC

Liên hệ qua Zalo